Tết Nguyên Đán là dịp để ba mẹ và các con có thể quây quần bên nhau, cùng nhau thực hiện những công việc nhà trước thềm năm mới như dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ và trang trí không gian cho ngôi nhà thêm đẹp mắt và sinh động.
Sau đây là 5 bài học kỹ năng sống để áp dụng trong việc giáo dục trẻ trong ngày tết Nguyên Đán dưới đây nhé!
Dạy con về ý nghĩa của ngày Tết Nguyên Đán
Trong suy nghĩ ngây thơ của trẻ, Tết là những ngày nghỉ dài để được vui chơi, nhận quà và nhận lì xì từ ông bà, cha mẹ. Chính vì vậy, ba mẹ cần dạy cho bé hiểu được ý nghĩa quan trọng của ngày Tết Nguyên Đán.
Ngày Tết Nguyên Đán không chỉ là khoảnh khắc giao thời giữa trời và đất mà còn là dịp để gia đình đoàn tụ, quân quần nhau chung vui niềm vui đón năm mới. Khoảng thời gian này, cha mẹ và con cái gần gũi nhau, cảm thấy yêu thương nhau nhiều hơn. Đặc biệt, cũng trong dịp Tết Nguyên Đán, các con được cùng ba mẹ đến thăm hỏi và chúc Tết ông bà, anh chị em xa, hàng xóm… để gắn kết mọi người bền chặt hơn.
Dạy con chúc Tết mọi người
Chúc Tết là một trong những phong tục tập quán, một nét đẹp văn hóa của người Việt Nam mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Trong những ngày lễ Tết, khi gặp mọi người hoặc đến nhà anh em, họ hàng… người ta thường trao nhau những câu chúc mừng Xuân mới, chúc sức khỏe, hạnh phúc và may mắn….
Tuy nhiên, không phải bạn nhỏ nào cũng hiểu và biết cách chúc Tết. Nhiều trẻ khi đi chúc Tết cùng ba mẹ chỉ biết chào và không biết cách chúc Tết sao cho lịch sự mà vẫn ấm áp yêu thương. Cho nên, trước thềm năm mới, ba mẹ hãy “note” ngay việc trang bị kỹ năng sống – dạy con chúc Tết. Hãy từ từ hướng dẫn con để con dần quen với phản xạ giao tiếp khi gặp người lớn và biết cách nói lời chúc Tết.
Một số kỹ năng mềm khi chúc Tết mọi người ba mẹ nên chỉ như bé như:
- Với ông bà thì chúc “khỏe mạnh, sống lâu trăm tuổi”. Một số câu chúc như: “Năm mới, con chúc ông/bà thật mạnh khỏe, vui tươi và hạnh phúc ạ!”, “Năm mới, con chúc ông bà sức khỏe dồi dào, sống lâu trăm tuổi ạ!”
- Với người lớn thì chúc “sức khỏe dồi dào, làm ăn phát tài”, với anh/chị thì chúc “hạnh phúc, may mắn!”…
Đặc biệt, khi hướng dẫn con chúc Tết, ba mẹ cũng cần dặn dò con về cách cư xử lịch sự, nhã nhặn như:
- Tươi cười, niềm nở khi chúc Tết mọi người
- Tuân theo những quy tắc của nhà người khác, không quậy phá, nghịch ngợm, không đạp lên tường và đồ đạc, không chạy nhảy trong nhà, làm ảnh hưởng tới mọi người xung quanh, không chạm vào các vật dễ vỡ, đặc biệt là khi đã được người lớn nhắc nhở.
- Hiểu và tuân theo tín hiệu không lời để ngừng làm việc gì đó
Mỉm cười và nói lời cảm ơn khi được nhận lì xì
Lì xì là một tên gọi của tục lệ trong dịp Tết Nguyên Đán ở các nước Á Đông và Việt Nam, đó là lệ đặt tiền vào chiếc phong bì nhỏ có trang trí màu vàng son rực rỡ để mừng tuổi trẻ em. Tuy nhiên, nhiều bé lại chỉ biết lì xì sẽ có tiền mà không hiểu rõ về ý nghĩa của phong tục văn hóa đặc biệt này.
Do đó, ba mẹ cần nói cho trẻ hiểu về ý nghĩa tinh thần của lì xì và dạy trẻ một số kỹ năng sống trong việc ứng xử khi nhận lì xì của mọi người như: Con hãy mỉm cười và biết nói lời cảm ơn khi được người lớn lì xì. Ba mẹ hãy gợi ý cho trẻ nhớ nếu trẻ vô tình quên mất để trẻ cảm thấy được trấn an và cư xử lịch sự hơn.
Nói cho con nghe ý nghĩa của những món ăn truyền thống ngày Tết
Vào mỗi dịp Tết, hầu hết các gia đình đều không thể thiếu những món ăn truyền thống của người Việt như bánh chưng, thịt gà, thịt nấu đông, canh măng, dưa hành… Hãy giải thích cho con hiểu những món ăn ngày Tết đều mang nhiều ý nghĩa về mong ước một năm mới an lành và thịnh vượng. Người lớn cũng có thể sử dụng những câu chuyện về “Sự tích bánh chưng, bánh dày” để dạy con trân trọng những người nông dân đã vất vả dãi nắng, dầm sương để tạo nên những hạt gạo trắng tinh khôi.
Trong những ngày Tết, ba mẹ cũng có thể mời gọi trẻ tham gia phụ giúp chế biến món ăn như nhặt rau, rửa rau, rửa hoa quả… Trẻ sẽ cảm thấy có ích và vui mừng hơn khi được cùng ba mẹ chuẩn bị đồ ăn cho những ngày Tết.
Dạy con tri ân tổ tiên, ông bà, cha mẹ
Những ngày Tết Nguyên Đán cũng là dịp để ba mẹ dạy cho bé cách bày tỏ lòng tri ân đến những người vô cùng đặc biệt của bé.
Khi đưa bé đi chúc Tết ông bà, hãy tâm sự với con về những đóng góp của tổ tiên với con cháu và sự vất vả của ông bà đã nuôi cha mẹ nên người. Hãy là tấm gương về những hành động ứng xử với lớn tuổi trong những ngày Tết để trẻ cảm nhận sâu sắc và tự nhiên về tình cảm và sự tri ân của ba mẹ.
Với 5 kỹ năng sống nêu trên, ba mẹ đã góp phần giúp con hiểu rõ về cách đối nhân xử thế, cách cư xử lịch sự, nhã nhặn để trở thành những em bé ngoan, trưởng thành trong hạnh phúc…