Một em bé hạnh phúc là một em bé luôn tự tin và làm chủ cuộc sống của mình, không dựa dẫm hay phụ thuộc vào ai khác, kể cả là bố mẹ mình. Bởi rồi đến một ngày, bạn ấy sẽ phải rời khỏi vòng tay an toàn ấy và tự bước đi trên đôi chân của mình thôi, phải không ba mẹ . Cho nên, việc tập luyện cho con một thói quen tự lập từ sớm nhất có thể là việc rất cần thiết. Hãy bắt đầu từ những việc rất nhỏ sau đây xem ba mẹ nhé!
- CHUẨN BỊ MỘT KHÔNG GIAN THẬT AN TOÀN ĐỂ BÉ KHÁM PHÁ
Để thực sự phát triển khả năng tự lập, bé sẽ cần liên tục khám phá thế giới xung quanh để từng bước làm chủ nó. Từ khi bạn ấy mới chỉ có thể nằm và nhìn ngó xung quanh, cho đến khi bạn ấy có thể lẫy để mở rộng tầm nhìn, có thể với cái nọ cái kia để cảm nhận bằng mọi giác quan. Rồi khả năng khám phá của bé sẽ tiếp tục lên một tầm cao mới khi bạn ấy biết bò, hoạt động trong một không gian rộng lớn hơn rất nhiều so với khi bạn ấy mới chỉ nằm một chỗ. Và tất nhiên, khi bé biết đi, mọi thứ là không có giới hạn. Cho nên, việc đảm bảo một không gian an toàn nhất có thể là điều vô cùng cần thiết, đặc biệt là trong chính ngôi nhà của bé, vùng mà bạn ấy sẽ “sục sạo” mạnh nhất Thay vì chạy khắp nơi theo bạn ấy và nói “Không!” khi bé chạm vào thứ gì đó có thể gây hại cho mình, ba mẹ hãy cố gắng đặt tất cả những vật nguy hiểm ra khỏi tầm với của bạn ấy, và để tất cả những thứ vui vẻ và thu hút ở xung quanh. Điều này sẽ giúp bạn ấy tự chủ và dám khám phá hơn một chút, và ba mẹ cũng yên tâm hơn.
2. TRAO CHO CON QUYỀN QUYẾT ĐỊNH
Mỗi cha mẹ đều nên đặt ra cho bé những giới hạn an toàn, đặc biệt là khi bạn ấy còn bé. Nhưng đôi khi trong một số trường hợp, hãy để cho bé được tự quyết định, dù cho nó có thể khá “kỳ quặc”, nếu điều đó không gây nguy hại gì cho bạn ấy. Ví dụ nếu con cứ dứt khoát là thích đi dép trái, ok, không sao cả, cứ để bạn ấy đi. Rồi đến một lúc, khi bé quan sát cách đi dép của mọi người, rồi được cô giáo dạy ở lớp, bạn ấy sẽ tự đúc kết được kinh nghiệm và đi đúng thôi
3. TÍCH CỰC HƯỚNG DẪN BÉ
Làm tốt một việc gì đó là chìa khóa cho cảm giác tự lập và thành công ở trẻ. Nhưng để phát triển khả năng đó, ban đầu, ba mẹ sẽ cần “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn bạn ấy từng chút một, từ dễ đến khó. Ví dụ, mẹ muốn bé sẽ tự dọn bát đĩa của mình sau khi ăn, thì hãy bắt đầu hướng dẫn bạn ấy cách bê bát bằng 2 tay như thế nào, rồi vừa bê vừa di chuyển ra sao, đặt vào bồn rửa như thế nào, rồi cuối cùng phải rửa tay sạch ra sao. Sau vài lần hướng dẫn, ba mẹ hãy động viên bạn ấy tự làm rồi quan sát với “hào phóng” lời khen, bạn ấy sẽ rất vui và tự hào đấy ạ
4. CÙNG CON ĐỌC NHỮNG CUỐN SÁCH VỀ TRẢI NGHIỆM SỰ TỰ LẬP
Không thể phủ định những cuốn sách có tác động to lớn đến các bạn nhỏ. Khi còn bé, con có xu hướng bắt chước rất nhiều, vì vậy để con đọc sách, những tình huống và bài học trong sách sẽ giúp con hiểu và muốn tự lập hơn.
5. KHUYẾN KHÍCH CON TRẢI NGHIỆM
Nếu bé muốn giúp mẹ nấu ăn, dọn dẹp hay sắp xếp đồ đạc, hãy cố gắng tìm ra những việc vừa sức để bé làm, mặc dù có thể bạn ấy sẽ “phá” nhiều hơn là giúp. Nhưng việc được chung tay cùng ba mẹ làm một việc gì đó sẽ khiến bạn ấy cảm thấy mình như một “người lớn”, cảm thấy mình thật có ý nghĩa và tự hào biết bao. Và một lần nữa nhắc lại, hãy khen bạn ấy thật nhiều và thật cụ thể nhé. Đảm bảo mẹ sẽ nhận lại một nụ cười toe toét cùng ánh mắt lấp lánh tự hào của bạn nhỏ cho mà xem.
6. KIÊN NHẪN VỚI CON
Một khi đã giao cho bạn nhỏ một việc gì đó, ví dụ như gấp quần áo chẳng hạn, ba mẹ hãy cố gắng hết sức để không “can thiệp”, dù có thể bạn ấy sẽ làm việc ấy mất gấp đôi, thậm chí là gấp ba thời gian so với ba mẹ. Việc tự mình làm từ đầu đến cuối sẽ giúp bạn ấy cảm nhận được sự cố gắng và niềm vui khi hoàn thành công việc. Sẽ nhanh thôi, rồi ba mẹ sẽ thấy bạn ấy trở thành “chuyên gia” trong việc đó trong khoảng thời gian ngắn như thế nào.
7. GIÚP CON LÀM QUEN VỚI SỰ VẮNG MẶT CỦA BA MẸ
Đa phần các bạn nhỏ đều rất sợ hãi khi không có ba mẹ ở bên. Bạn ấy có thể chơi rất thoải mái và vui vẻ ở bất kỳ đâu, với bất kỳ ai, với điều kiện bé luôn thấy ba mẹ ở trong tầm mắt. Nếu không, bé sẽ khóc òa lên. Để giúp bé làm quen với việc này, ba mẹ phải hết sức kiên nhẫn và từ tốn. Đừng cố tình trốn đi khi bé không để ý, vì bạn ấy sẽ vô cùng buồn bã, tủi thân và sợ hãi vì đột nhiên không thấy ba mẹ đâu cả, cảm giác như bị bỏ rơi vậy. Thay vì thế, ba mẹ hãy thẳng thắn nói với bạn ấy về việc ba mẹ sẽ đi đây đi đó một chút. Nếu bé khóc và theo ba mẹ, hãy tỏ ra thông cảm, ngồi xuống nhìn thẳng vào mắt bạn ấy, cầm tay và chia sẻ cảm xúc, nhưng đừng ôm, vì điều đó sẽ làm bé và ba mẹ bịn rịn hơn nữa, rồi dứt khoát rời đi. Tất nhiên, một vài lần đầu, bạn ấy sẽ khóc to hơn sau đó, nhưng rồi dần dần, bạn ấy sẽ hiểu đó là việc ba mẹ cần làm, và rồi chắc chắn ba mẹ sẽ quay trở lại. Ba mẹ cũng có thể giúp bé “thực tập” sự vắng mặt này của ba mẹ bằng cách ra khỏi tầm mắt của bé trong một thời gian ngắn, rồi kéo dài dần ra. Ví dụ, bắt đầu bằng trò “ú òa”, để bé làm quen với việc không thấy ba mẹ một vài giây, rồi sau đó là ra hẳn khỏi phòng một vài phút và lâu hơn rồi quay lại khi bé có dấu hiệu sắp khóc. Sự luyện tập này sẽ giúp bạn ấy sẵn sàng cho những cuộc “chia ly” dài hơn, ví dụ như đi học chẳng hạn.
8. LUÔN CHO CON CẢM THẤY MÌNH YÊU CON NHƯ THẾ NÀO
Tình yêu mà ba mẹ dành cho con là vô bờ bến. Chúng ta khuyến khích con tự tin và tự lập, nhưng hãy luôn sẵn sàng ôm con vào lòng, vỗ về và trấn an khi mọi thứ không như mong muốn, dù bạn ấy đã vô cùng cố gắng. Điều này sẽ khiến bạn ấy yên tâm rằng, dù bạn ấy có quyết định ra sao, có sai lầm hay thất bại thế nào, thì sẽ vẫn luôn có gia đình ở phía sau ủng hộ và yêu thương bạn ấy vô điều kiện.